1900 4662 - 0962.775.166

Category Archives

Posts in Làm mẹ category.
Mẹo nhỏ giúp trẻ không khóc ngày đầu đến trường mầm non

Bất kỳ bạn nhỏ nào lần đầu tiên đi học trường mầm non cũng đều bỡ ngỡ, có nhiều bé khóc quấy, khiến bố mẹ không yên tâm, xót ruột. Đây là một số bí quyết mà Tã bỉm Mihoko chia sẻ với bố mẹ đẻ con đi học ngày đầu đến trường không khóc quấy.

Những bước này cũng sẽ giúp bé thích nghi với môi trường xung quanh khá nhanh, thấm nhuần ý tưởng về trường học trong bé một cách từ từ và hiệu quả.

Lựa chọn môi trường có giáo viên có kinh nghiệm để xử lý.

Chọn trường

Cha mẹ nên lựa chọn môi trường có những giáo viên có kinh nghiệm để xử lý những học sinh hay lo lắng. Kinh nghiệm và sự đào tạo của giáo viên rất quan trọng trong việc giúp trẻ cảm thấy thoải mái.

Diễn kịch đến trường

Theo giới chuyên gia, những câu chuyện và vở kịch là cách tốt nhất để đi vào trái tim của một đứa trẻ. Ví dụ, bạn có thể kể cho con nghe những câu chuyện về thế giới mới của các nhân vật trong phim truyền hình dài tập.

Kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng tham gia vào vở kịch “ngày đầu tiên đến trường”. Bạn có thể giả vờ nói lời tạm biệt, đi ra ngoài để trẻ một mình với “giáo viên”… Điều này sẽ giúp trẻ tự định nghĩa trường mầm non ở một mức độ nhất định.

Tham quan trường mầm non

Đưa con đến thăm trường và chơi ở đó vài lần trước khi ngày học đầu tiên chính thức diễn ra. Trong lúc chơi cùng con, bạn có thể kể những câu chuyện hay về các hoạt động vui chơi đồng thời tạo hứng thú cũng như sự tò mò ở con.

Nhắc lại về các hoạt động và trò chơi thú vị mà con và các bạn sẽ chơi sau khi đăng ký vào trường. Điều này giúp giảm bớt tâm lý sợ hãi trường lớp trong tâm trí các bé.

Tương tác với giáo viên

Những trường mầm non chất lượng thường sẽ có những giáo viên được lựa chọn cẩn thận, hiểu tâm lý trẻ em. Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, các cô giáo sẽ dễ dàng giải quyết tình huống cụ thể của từng bé.

Cha mẹ cần hỏi thăm giáo viên mỗi khi đưa trẻ đến trường mầm non để làm quen. Việc tương tác thường xuyên với giáo viên sẽ tạo cơ hội cho trẻ quen biết giáo viên và tự tin hơn trước khi bước vào năm học.

Duy trì sự tích cực

Nỗi sợ hãi là thứ phá hủy những giấc mơ, thế nên suy nghĩ tích cực là điều quan trọng không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em.

Bạn có thể tìm hiểu những đặc điểm giúp trẻ giữ được mạch suy nghĩ tích cực. Phẩm chất này sẽ giúp loại bỏ nỗi sợ hãi khỏi tâm trí các bé.

Giúp con kết nối bạn bè

Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể tìm được ít nhất một số trẻ ở cùng địa phương sẽ học cùng trường mầm non với con bạn. Hãy thoải mái để con bạn chơi với chúng hoặc sắp xếp để gặp chúng tại trường vài ngày trước khi khai giảng.

Một vài lần gặp gỡ và chơi cùng nhau ở trường mầm non sẽ biến chúng thành bạn bè tốt của nhau. Con bạn sẽ không cảm thấy xa lạ khi xung quanh mình có những đứa trẻ quen thuộc.

Mang theo đồ chơi đến trường

Mang theo đồ chơi quen thuộc ở nhà cũng là cách cho trẻ đi học mà không quấy khóc. Những ngày đầu đến trường, trẻ sẽ có cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi. Do đó, sự quan tâm của cô giáo, sự hòa đồng của bạn bè sẽ chẳng có bất cứ ý nghĩa gì với trẻ.

Trong trường hợp này, cha mẹ nên mang theo một món đồ chơi mà bé yêu thích như búp bê, gối ôm hình con vật, bình nước riêng của trẻ,… để con luôn có cảm giác an toàn.

Thực hành nghi thức tạm biệt

Khi trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, cha mẹ không nên tìm cách trốn tránh con. Thay vào đó, hãy dũng cảm nói lời tạm biệt trước khi quay lại trường đón con. Tốt nhất, hãy bắt đầu thực hành cùng con thói quen này trước khi trường mầm non khai giảng.

Cách khắc phục trẻ sơ sinh khó ngủ

Nhiều trẻ sơ sinh rất khó ngủ, hay khóc vào ban đêm khiến mẹ bỉm lo lắng, mệt mỏi. Tình trạng này có thể diễn ra trong tuần đầu, tháng đầu nhưng có những bé quấy khóc, khó ngủ hết 3 tháng cữ. Làm thế nào để trẻ sơ sinh ngủ ngon, tã bỉm Mihoko đọc nguyên nhân và khắc phục do các bác sĩ chuyên khoa nhi hướng dẫn.

Tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ hay tỉnh giấc và quấy khóc vào ban đêm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, khó ngủ cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý.

Tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ hay tỉnh giấc và quấy khóc vào ban đêm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chỉ thức dậy khi đói

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, mỗi ngày, trẻ sơ sinh ngủ trung bình khoảng 18 – 20 giờ. Trẻ gần như ngủ suốt cả ngày lẫn đêm, chỉ thức dậy khi đói.

Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, thể tích dạ dày nhỏ nên trẻ nhanh đói. Vì vậy, sau khoảng 2 – 3 giờ, trẻ sẽ thức giấc để bú mẹ. Đặc biệt, đối với những bé non tháng, nhẹ cân, hay bị trào ngược dạ dày thực quản… thì mẹ nên cho bú thường xuyên hơn.

Trẻ sơ sinh chưa phân biệt được ngày đêm, nên nhiều bé sẽ có thói quen ngủ nhiều vào ban ngày và thức giấc vào ban đêm. Chỉ đến khi được 3 tháng tuổi, bé mới bắt đầu ngủ suốt đêm và không quấy khóc mẹ.

Theo bác sĩ Ngọc, tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, hay tỉnh giấc và quấy khóc vào ban đêm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đó có thể là do nguyên nhân sinh lý giấc ngủ.

“Theo các chuyên gia, giấc ngủ thường chia thành hai giai đoạn đó là: Rapid Eye Movement (REM) và Non Rapid Eye Movement (Non – REM). Đối với giấc ngủ của người trưởng thành, thì giai đoạn Non – REM chiếm 75% tổng số thời gian ngủ, 25% thời gian còn lại là giai đoạn REM. Đối với trẻ sơ sinh thì hai giai đoạn này có thời gian gần như là bằng nhau”, bác sĩ Ngọc dẫn chứng.

Cụ thể, khi giấc ngủ ở giai đoạn REM, các cơ quan hô hấp sẽ tăng cường hoạt động khiến trẻ thở nhanh và tăng nhịp tim đập. Lúc này, chỉ cần một cử động nhẹ cũng có thể làm trẻ thức giấc. So với người lớn, thì giai đoạn REM chiếm nhiều thời gian trong giấc ngủ của trẻ hơn. Do đó, trẻ sơ sinh thường hay bị giật mình hoặc tỉnh giấc bởi các tác động từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc trẻ sơ sinh khó ngủ còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Trẻ có thể thiếu vi chất. Bởi, trẻ có thể mắc bệnh còi xương do thiếu các chất dinh dưỡng như kẽm, magie, sắt… Đồng thời, cơ thể luôn mệt mỏi sẽ khiến trẻ ngủ không sâu giấc, hay ngủ gà vào ban ngày. Do đó, trẻ hay tỉnh giấc và khó ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, trẻ có thể mất ngủ do nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Bác sĩ Ngọc cho biết thêm, sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn yếu, không thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Do đó, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và có thể mắc một số bệnh lý như: Viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản…

Khi mắc phải một trong những bệnh lý này, trẻ có biểu hiện thở khò khè, khó thở, hay thở bằng miệng… dẫn đến trẻ sơ sinh khó ngủ và quấy khóc mẹ. Tình trạng thừa cân, béo phì cũng có thể khiến đường thở bị phì đại gây khó khăn cho trẻ khi thở. Trẻ thường phải thở bằng miệng do khó thở. Vì vậy, trẻ rất khó đi vào giấc ngủ mà thường tỉnh giấc, không chịu ngủ và hay quấy khóc vào ban đêm.

Trẻ sơ sinh mất ngủ cũng có thể do một số nguyên nhân khác. Ví dụ, trẻ thường xuyên bị mộng du, khi ngủ sẽ hay bị giật mình, tỉnh giấc vào giữa đêm. Từ đó, trẻ trở nên khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

Hoặc, trẻ quấy khóc, không chịu ngủ do tã, bỉm bị ướt, giường chiếu và quần áo không sạch khiến bé cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy. Lý do khác cũng có thể là do ánh sáng ở phòng ngủ quá sáng hoặc không thích hợp với trẻ. Nhiệt độ trong phòng quá nóng hoặc quá lạnh cũng sẽ khiến trẻ khó ngủ.

Một số nguyên nhân khác có thể bao gồm: Môi trường xung quanh ồn ào, bật nhạc quá to… dễ làm cho trẻ giật mình tỉnh giấc; Trẻ ngủ nhiều vào ban ngày nên khó ngủ khi về đêm; Trẻ bú ít, không đủ lượng sữa cần thiết nên nhanh đói.

Do đó, trẻ thường ngủ không sâu giấc và hay thức dậy để bú mẹ; Trẻ đã quen được mẹ bế bồng hoặc đưa võng khi ngủ. Do đó, nếu không được bế ẵm hoặc không được nằm nôi thì trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ và quấy khóc.

Mang lại môi trường ngủ an toàn

Theo BS.CK1 Phạm Lê Mỹ Hạnh – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), để giúp trẻ ngủ ngon và tạo môi trường ngủ an toàn cho bé, phụ huynh có thể áp dụng phương pháp quấn khăn. Cách làm này giúp trẻ vẫn còn cảm giác được bao bọc như lúc còn trong tử cung.

Từ đó, khiến trẻ luôn cảm thấy an toàn, tránh giật mình hay phản xạ Moro. Đây là phản xạ nguyên thuỷ không tự điều khiển được. Ngoài ra, quấn khăn còn giữ người thẳng, nhất là khi trẻ sơ sinh chưa kiểm soát được cổ.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho trẻ, cần quấn khăn đúng cách, tránh quấn khăn quá chặt. Bảo đảm hai chân trẻ vẫn cử động thoải mái và dang ra được, hông cũng cử động được. Trẻ vốn quen với tư thế 2 chân hơi dạng và gối gấp như trong tử cung. Nếu bị quấn trong tư thế ép chân thẳng, trẻ có khả năng bị loạn sản hông và trật khớp háng. Khi trẻ được 2 tháng tuổi, cha mẹ không nên quấn khăn cho bé nữa.

Hoặc, cha mẹ cũng có thể cho trẻ nằm kén. Mục đích của phương pháp này cũng tương tự như quấn khăn nhưng có ưu điểm là không hạn chế cử động của trẻ. Đồng thời, giúp trẻ luôn giữ tư thế gập sinh lý và có thể xoay trở bé. Một lưu ý khác là phụ huynh cần tạo môi trường ngủ an toàn cho trẻ.

Theo các chuyên gia, trước khi ngủ, phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ, mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát cho bé. Bên cạnh đó, việc cho trẻ cầm nắm đồ vật yêu thích sẽ giúp bé dễ đi vào giấc ngủ hơn. Một không gian mát mẻ cùng với bản nhạc êm đềm có thể giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Nếu con đi lớp về chia sẻ 10 điều này, chúc mừng bố mẹ đã chọn đúng trường cho con

Một năm học mới bắt đầu, rất nhiều bố mẹ đang tìm kiếm trường học phù hợp với con mình. Và đứa trẻ nếu được đặt vào đúng môi trường sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn, phát triển tốt cả thể chất là tinh thần. Nếu con bạn về 10 điều sau đây tại trường lớp thì tã bỉm Mihoko chúc mừng bạn đã lựa chọn đúng trường cho con rồi.

1. Con không bị ép phải ngồi trật tự trong khoảng thời gian dài hay tha thẩn trong lớp không có gì chơi

Khả năng tập trung của trẻ mầm non không cao, bởi vậy việc bắt trẻ phải ngồi im không được cựa quậy hay hoạt động trong khoảng thời gian dài là không thể nào. Nếu cô giáo liên tục ép trẻ phải ngồi im, giữ trật tự suốt cả ngày thì phụ huynh nên xem xét lại.

Đứa trẻ nếu được đặt vào đúng môi trường sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Bên cạnh đó, nếu trẻ không phải ngồi im nhưng lại tha thẩn hết chỗ này sang chỗ khác mà không có hoạt động, học liệu gì dễ khiến con cảm thấy chán nản, buồn bã, không hứng thú với việc đi học. Trẻ rất hiếu động và nghịch ngợm, một môi trường tốt là khi tạo cho con được nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi của bé.

2. Con được tham gia rất nhiều hoạt động đa dạng

Tùy vào độ tuổi, tâm lý, tính cách, nhà trường sẽ đưa ra những hoạt động và trải nghiệm phù hợp với con. Ví dụ như một em bé 2 tuổi sẽ thích chơi xếp hình, xem sách, vẽ tranh ảnh. Các bé lớn hơn một chút có thể chơi câu đố tư duy, lego…

Nhìn chung, bé sẽ không phải làm các việc lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Con nên có một thời khóa biểu với nhiều môn học, nhiều hoạt động trong ngày.

3. Cô giáo có thời gian tương tác với từng bạn

Các giáo viên làm việc với từng trẻ, nhóm nhỏ và với cả lớp trong những khoảng thời gian khác nhau trong một ngày. Họ không chỉ dành thời gian để làm việc với cả lớp. Việc các cô trò chuyện với từng trẻ sẽ giúp con cảm thấy được quan tâm, đồng thời cũng giúp các cô hiểu hơn về tính cách, khả năng của con.

Nếu cô chỉ chăm chăm giảng bài mà không biết học sinh ở dưới làm gì, liệu có hiểu điều cô muốn nói không thì rất khó để bé tiến bộ hơn mỗi ngày.

4. Lớp học được trang trí bằng chính tranh vẽ, chữ viết của trẻ

Chắc chắn các con sẽ rất vui và tự hào khi thấy sản phẩm của mình được trang trí xung quanh lớp. Nhờ đó, con cảm thấy vui và có động lực hơn. Với trẻ mẫu giáo, các bé thích những gì màu sắc, đáng yêu, thế nên một lớp học trống trải, ít gam màu không phải là lựa chọn hợp lý. Khi lên các lớp lớn hơn, lớp học sẽ được yêu cầu ít họa tiết để các con tập trung vào bài học.

5. Con học số và chữ cái thông qua các hoạt động hàng ngày

Khám phá thế giới thiên nhiên như cây cối, động vật, nấu nướng, trực nhật và phục vụ bữa ăn là những hoạt động ý nghĩa hàng ngày cho trẻ. Thay vì chỉ ngồi im và học số lý thuyết, con được học mà chơi, chơi mà học. Điều này không chỉ thể hiện trường có kỹ năng giáo dục tốt mà còn thu hút và khiến trẻ thích thú với việc học hơn.

6. Con có khoảng thời gian đủ dài (ít nhất là 1 giờ đồng hồ) để tự chơi và khám phá

Không phải lúc nào kè kè bên trẻ mới là tốt, con cần phải có một khoảng thời gian để tự chơi và làm những điều con thích (trong giới hạn). Ví dụ như chơi cùng bạn bè, tự vẽ, tự xếp hình, tự nghiên cứu một điều gì mới mẻ. Đây cũng là kỹ năng trẻ cần trong độ tuổi này.

7. Con có cơ hội để chơi ngoài trời

Trẻ sẽ khó mà phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất nếu chỉ ngồi trong lớp học. Ở bất kì độ tuổi nào, con cũng cần khoảng thời gian trong ngày để vận động, tập những bài tập đơn giản. Hoặc là được chơi các trò như xích đu, cầu trượt, tung bóng…

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với khí hậu ngoài trời (với thời tiết phù hợp) sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái, sảng khoái, vui vẻ hơn.

8. Cô giáo yêu thương, tạo ra không khí vui vẻ cho lớp

Một lớp học lúc nào cũng toàn tiếng quát mắng, mệt mỏi của giáo viên thì chắc chắn đó không phải là lớp học tốt. Cô giáo vui vẻ, niềm nở, luôn yêu thương học sinh sẽ khiến cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Các bé cũng sẽ thích các cô có tính cách như vậy hơn là chỉ quát tháo, nạt nộ, ra lệnh cho trẻ. Đương nhiên, giáo viên cũng cần có sự nghiêm túc nhất định.

9. Chương trình giảng dạy phù hợp với cả những trẻ học nhanh hoặc chậm

Bởi vì mỗi trẻ em có những kinh nghiệm và kiến thức khác nhau nên các em không thể học cùng một thứ, cùng một lúc và theo cùng một cách. Khi con khó tiếp thu hơn, cô giáo hoàn toàn có thể dành thời gian để giúp đỡ bé. Hoặc khi con học nhanh, giáo viên có thể tìm cho bé những bài dạy phù hợp hơn.

10. Con luôn mong muốn được đến trường mỗi ngày

Cảm nhận của bố mẹ và các con là rất quan trọng. Khi phụ huynh thấy yên tâm, con đi học về không khóc, luôn vui vẻ và hào hứng khi nhắc đến cô giáo và các bạn thì đó là một môi trường phù hợp.

Làm gì khi trẻ không ngừng ăn vạ

Có những lúc vài phút trước con vui vẻ, nhưng sau đó thì lăn đùng ra gào khóc, ném đồ đạc lung tung…. Vậy cha mẹ cần làm gì?

Nếu xử lý không khéo, bố mẹ sẽ đẩy tình huống đi xa hơn, làm cho cơn ăn vạ của con càng kinh khủng. Bản thân bố mẹ cũng bị căng thẳng dẫn đến những hành vi bạo lực không kiểm soát, để lại hậu quả tệ hại.

Nguyên-Kan, bà mẹ của ba con gái, tác giả sách Mẹ đoảng dạy con, chia sẻ cách xử lý cơn ăn vạ của con. Kinh nghiệm này chị tích lũy qua quá trình nuôi dạy con và các khóa học về làm cha mẹ tại Pháp.

Muốn xử lý được cơn giận của con một cách hiệu quả, bố mẹ cần hiểu rõ nguồn cơn. Các bé 1-3 tuổi hoặc lớn hơn, thường ăn vạ đơn giản vì chưa có nhiều khả năng diễn đạt bằng lời nói, đặc biệt là các bé 1 tuổi, chỉ biết dùng ngôn ngữ cử chỉ, hành động, tiếng khóc tiếng cười để giao tiếp. Nhưng ở tuổi này, các bé bắt đầu hiểu được hành vi của mình có thể ảnh hưởng tới người khác.

Các lý do khiến trẻ ăn vạ

  • Tính cách: Có những bé tính cách mềm mỏng, có bé mạnh mẽ, bé lại “miễn dịch” trước mọi sự, nhưng cũng có bé hay giận dỗi. Tất cả những nét tính cách này đều ảnh hưởng tới cách các bé phản ứng trước sự việc. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là cha mẹ không thể hạn chế cơn ăn vạ vô lối của con.
  • Trẻ bị đói, mệt, buồn ngủ, căng thẳng hoặc bị kích động quá mức. Trường hợp này các bé rất dễ lăn ra ăn vạ, đơn giản vì không còn đủ bình tĩnh để diễn đạt ý muốn của mình.
  • Các bé không tự xử lý được, ví dụ bị bạn khác lấy mất đồ chơi yêu thích.
  • Cảm xúc mạnh mẽ như lo lắng, sợ hãi, xấu hổ và tức giận có thể quá sức chịu đựng đối với trẻ.

Cách hạn chế cơn giận của trẻ

Cách tốt nhất để hạn chế cơn giận của trẻ là bố mẹ đọc các tín hiệu, hiểu rõ biểu hiện của con để đoán trước những tình huống có thể khiến con bùng nổ. Ví dụ lúc con mệt, buồn ngủ, đói thì rất dễ ăn vạ và khó dỗ. Hoặc như trước các tình huống có thể khiến con có cảm xúc mạnh, ví dụ sắp tiêm chủng, bố mẹ cần chuẩn bị trước để con sẵn sàng đón nhận.

Phụ huynh nên ghi nhớ mấy điều sau:

– Giảm căng thẳng cho con, không để con bị quá đói, quá mệt, quá buồn ngủ…

-Hiểu cảm xúc của con và giúp con hiểu về cảm xúc. Hãy khuyến khích con gọi tên cảm xúc. Ví dụ bạn hãy đặt câu hỏi: “Có phải con ném hộp bút đi vì con cảm thấy tức giận khi không mở được đúng không? Con có thể làm gì khác nào?”.

– Xác định những yếu tố có thể dẫn đến cơn tức giận. Ví dụ, các bé có thể lèo nhèo khi theo mẹ đi chợ. Để giảm thiểu, bạn có thể chọn đi chợ sau khi con vừa ngủ dậy hoặc vừa ăn bữa xế.

Cách xử lý khi cơn giận xảy ra

-Đừng hoảng hốt, mất bình tĩnh. Ví dụ, mẹ dặn bé ngồi chơi để nấu cơm, nhưng bé mè nheo đòi chơi điện thoại. Đầu tiên người mẹ không đồng ý, nói rằng trẻ con không nên chơi điện thoại, nhưng bé tiếp tục mè nheo và khóc càng to. Trường hợp này, người mẹ thường phản ứng (sai) theo hai cách: (1) Quát con, thậm chí đánh con, khiến con khóc càng to hơn; (2) Người mẹ đầu hàng, đưa điện thoại để con nín khóc và để yên cho mình nấu cơm. Điều này khiến trẻ hiểu rằng khi mẹ bận làm gì mình có thể đòi chơi điện thoại của mẹ và nếu mình khóc, mẹ sẽ đáp ứng đòi hỏi. Kết quả là càng ngày cơn mè nheo của con càng thường xuyên hơn và mức độ càng gay gắt hơn.

Nói chung, phản ứng thông thường của bạn là phải nhanh chóng giải quyết, giúp đỡ để con nín ngay. Nhưng nếu không phải con đang gặp nguy hiểm, con đang bị đau, con chỉ đang khóc lóc vì có việc gì đó không như ý thì bạn cần bình tĩnh nói chuyện. Ngay lúc này, bố mẹ nên hít thở sâu, nếu cần thiết thì tự đếm từ 1 đến 10 để không phản ứng tức thì với trẻ, hoặc thậm chí tránh mặt sang phòng khác một lúc. Chỉ cần không giữ bình tĩnh một phút thôi là mọi việc trở nên khó khăn cho cả bạn lẫn con cái.

-Giúp con gọi tên cảm xúc, cho con thấy bạn thấu hiểu những gì con đang cảm nhận. Đôi khi các bé cáu giận đơn giản vì mệt, đói, lúc này bố mẹ không nên sử dụng hình phạt nghiêm khắc (như là phạt ngồi góc) mà nên an ủi, vỗ về, giúp bé thư giãn. Đây là cơ hội để bố mẹ dạy cho bé biết khi mệt, con cảm thấy thế nào và con nên làm gì thay vì cáu giận với người khác.

-Chờ đợi cho cơn cáu giận qua đi. Sẽ không có ích gì khi bạn giải thích, nói lý lẽ khi con đang khóc lóc, bởi não bộ của trẻ lúc này tập trung hoàn toàn vào cơn giận, không đủ tỉnh táo để tiếp nhận những gì người khác nói. Đôi khi khóc lóc là một cách giúp bé giải tỏa cảm xúc.

Nhiều bố mẹ vì sốt ruột với tiếng khóc của con mà yêu cầu/dỗ con “nín ngay”, nhưng kết quả nhận lại là bé càng khóc to. Vì thế, đôi khi cách tốt nhất là bạn yên lặng ở bên cạnh con, để con yên tâm. Nhưng lúc này cố gắng đừng nhìn vào mắt con, đừng vội chạm vào khi con vẫn đang gào khóc, hãy tập trung vào việc mà bạn đang làm.

-Hãy luôn ở thế chủ động. Nếu con bạn khóc lóc, mè nheo vì muốn được đáp ứng một nhu cầu (vô lý) nào đó, như chơi điện thoại, đừng chiều theo ý con. Nếu con không muốn làm một điều gì đó, như dọn đồ chơi, hãy thử tìm cách khác. Thay vì nói “Con phải dọn ngay”, bạn thử “Đến giờ các bạn đồ chơi đi ngủ rồi, con đưa các bạn về nhà nhé”.

-Hãy luôn nhất quán khi đối đầu với cơn giận của trẻ. Nếu bạn đồng ý mua đồ chơi cho con khi con gào khóc đòi hỏi ở siêu thị một lần, nhưng lần sau bạn lại không làm thế nữa thì tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ. Vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn tôn trọng luật lệ đã đề ra, và cư xử nhất quán trong các trường hợp. Nếu có ngoại lệ, hãy tìm một lý do hợp lý để giải thích cho con hiểu.

Việc trẻ em gào khóc, mè nheo, ăn vạ là những biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển của bé và hầu như bé nào cũng phải trải qua nhiều lần. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần biết cách xử lý với các cơn giận của con một cách hợp lý, với tất cả sự kiên nhẫn và bao dung.

Cơn cáu giận nào rồi cũng sẽ qua đi, nhưng sẽ để lại những bài học lớn cho trẻ về hành vi và cảm xúc. Không có đứa trẻ nào hư, chỉ có những đứa trẻ chưa có điều kiện để hiểu về cảm xúc và biết cách kiểm soát cảm xúc của mình mà thôi.

Mẹ bầu ôm mặt khóc khi biết thai nhi 34 tuần tuổi bị đục thủy tinh thể: Bác sĩ chỉ ra việc quan trọng cần làm

Theo bác sĩ Giang Tiến Trung – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương) đục thể thủy tinh bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của mắt xảy ra trước khi sinh hoặc ngay lúc vừa mới sinh.

Khi một trẻ nhỏ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ không thể nhìn rõ bằng mắt như những đứa trẻ bình thường khác. Điều này khiến cho mắt và não của trẻ nhỏ khó phối hợp với nhau, ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác và chuyển động của mắt cũng kém chính xác hơn.

Hầu hết không tìm ra nguyên nhân của bệnh đục thể thủy tinh bẩm sinh, rất hiếm trẻ em bị bệnh này, một số nguyên nhân có thể nghi ngờ gây ra đục thủy tinh thể bẩm sinh như sau:Nguyên nhân có thể do di truyền: Nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh đục thủy tinh thể thì nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng trẻ em sinh ra bị đục thủy tinh thể bẩm sinh là rất cao.

Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh do sự bất thường ở trên nhiễm sắc thể như hội chứng chondrodysplasia, hội chứng Down, hội chứng loạn sản ngoại bì, …

Nhiễm trùng trong quá trình mang thai: Một số bệnh nhiễm trùng mà người mẹ có thể mắc phải khi đang mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị đục thủy tinh thể bẩm sinh như: Bệnh giang mai, HIV, bệnh rubella, bệnh sởi, mụn rộp, thủy đậu, bệnh toxoplasmosis….

Các tổn thương khi mang thai: Trong những trường hợp bà mẹ đang mang thai bị chấn thương về thể chất như bạo lực thân thể, té ngã, tai nạn xe,… có thể khiến mắt của trẻ bị chấn thương.

Bị hạ đường huyết trong quá trình mang thai: Với những thai phụ bị bệnh đái tháo đường, việc không kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đường huyết cao quá mức hoặc hạ đường huyết. Những tình trạng này có thể dẫn đến hỏng các cơ quan trong cơ thể, như mạch máu, mắt, dây thần kinh của cả bé và mẹ.

Sinh non: Đối với những trẻ em sinh ra trước 37 tuần sẽ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe hơn.

Đa số đục thủy tinh hể bẩm sinh đều phải cần đến phẫu thuật để có thể lấy bỏ thủy tinh thể đục.

6 dấu hiệu “kỳ quặc” các bà bầu có thể trải qua trong thai kỳ


Kỳ mang thai có thể kéo theo vô vàn những thay đổi cho cơ thể của bạn, trong đó có cả những dấu hiệu hết sức “kỳ quặc”.


Sự thay đổi về mũi

Zahra Ameen, bác sĩ sản khoa và tư vấn tại Cadogan Clinic, Vương quốc Anh cho biết, triệu chứng tương đối phổ biến ở ba tháng cuối cùng của thai kỳ là mũi sưng lên.

Lượng máu lưu thông khắp cơ thể tăng lên trong thời kỳ mang thai làm tăng lượng máu chảy vào mũi, điều này gây ra sưng tấy và có thể trở nên tồi tệ hơn do thay đổi nội tiết tố. Theo Ameen, những thay đổi về hình dạng và kích thước nói chung chỉ mang tính tạm thời và mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau 6 tuần kể từ lúc sinh.

Thay đổi màu da

Ameen cho biết, hormone thai kỳ có thể gây ra những thay đổi về màu da. Một số người có tàn nhang hoặc vùng sẫm màu giữa hai đùi. Triệu chứng này dễ nhận thấy hơn đối với những người có tông màu da sáng.

U miệng

Theo Ameen, trong thời kỳ mang thai, khoảng 5% phụ nữ sẽ có những “khối u” nhỏ trên nướu của họ. Tuy nhiên, các khối u không có gì đáng lo ngại. Chúng không phải ung thư mà chỉ đơn giản là do sưng nướu do hormone gây ra và sẽ biến mất sau khi sinh.

Muỗi đốt

Nghiên cứu cho thấy rằng, phụ nữ mang thai có khả năng bị muỗi đốt cao gấp 2 lần. Một lý do tiềm ẩn khiến phụ nữ mang thai bị thu hút nhiều hơn bởi muỗi là do họ thở nhiều hơn so với phụ nữ không mang thai. Muỗi đã bị thu hút bởi độ ẩm và khí CO2 dư thừa. May mắn thay, hầu hết các loại thuốc chống muỗi đều an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.

Thèm đồ vật không ăn được

Ước tính có khoảng 50 đến 90% phụ nữ mang thai cảm thấy thèm ăn ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, một bộ phận bà bầu có thể có sở thích khá cực đoan, chẳng hạn như thèm ăn những thứ không ăn được và không có giá trị dinh dưỡng, theo Ameen. Giai đoạn này thường kéo dài trong một tháng hoặc lâu hơn, họ có cảm giác thèm ăn đất, đất sét hoặc than…Khi điều này xảy ra, bệnh nhân cần phải được tư vấn để kiểm soát cơn thèm.

Tuy nhiên, triệu chứng này rất hiếm gặp và Ameen cho biết cô chỉ gặp một vài trường hợp trong suốt sự nghiệp của mình. “Một bệnh nhân nói với tôi rằng cô ấy thèm ăn xi măng”, cô nói.

Da “bột”

Đây là một hiện tượng khi chất lỏng tích tụ quá nhiều trong cơ thể, gây sưng tấy, khiến da lõm xuống khi ấn vào.

Tiến sĩ Deborah Lee, một chuyên gia về sức khỏe sinh sản và tình dục, nói rằng nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chất lỏng đã bị “rò rỉ” ra khỏi tĩnh mạch và kẹt lại dưới da. Thông thường, các cơ bơm chất lỏng trở lại tuần hoàn máu, nhưng khi mang thai, có quá nhiều chất lỏng đã dẫn đến sự tích tụ.

Ép trẻ ăn – Sai lầm làm cho trẻ bị biếng ăn tâm lý

Khi trẻ từ chối không ăn, bố mẹ hay người chăm sóc trẻ thường rất lo lắng, sợ trẻ không ăn hết suất sẽ không tăng cân, sức đề kháng kém…

Theo thông tin chia sẻ của ThS.BS Hoàng Thị Hằng, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em – Viện Dinh dưỡng, biếng ăn là một triệu chứng hay gặp ở trẻ em đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 6-36 tháng.

Khi trẻ từ chối không ăn, bố mẹ hay người chăm sóc trẻ thường rất lo lắng, sợ trẻ không ăn hết suất sẽ không tăng cân, sức đề kháng kém…và nghĩ ra nhiều cách để dỗ con như cho trẻ xem tivi, chơi trò chơi, cho xuống sân chơi để hy vọng trẻ chịu ăn. Một số trường hợp còn dọa nạt, mắng, đánh trẻ làm trẻ sợ phải ăn hết suất, làm trẻ khóc để trẻ phải nuốt. Tuy nhiên, nhiều trẻ do bị ép ăn trở nên biếng ăn nặng hơn và dẫn đến biếng ăn tâm lý ở trẻ.

Những biểu hiện cho thấy trẻ đang biếng ăn tâm lý

Dấu hiệu hay gặp nhất khi trẻ bị biếng ăn tâm lý là trẻ có biểu hiện lo lắng, sợ hãi và khó chịu khi chuẩn bị ăn. Khi thấy mẹ đeo yếm hay nhìn thấy bát, con đã khóc mà chưa cần biết sẽ ăn gì hoặc không chịu vào ghế ngồi ăn. Nhiều trẻ khi nhìn thấy thức ăn đã buồn nôn, nôn khi ăn, lắc đầu không ăn, ngậm chặt miệng không chịu há, ngậm thức ăn lâu trong miệng…

Trẻ biếng ăn tâm lý sẽ ăn ít hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi, do vậy không nạp đủ nhu cầu dinh dưỡng, nhiều trẻ kén ăn chỉ thích ăn một số ít loại thức ăn như chỉ chịu ăn cơm chan nước canh hoặc chỉ ăn trứng, không ăn hải sản, thịt hay rau xanh.

Trẻ không hoặc rất ít khi đòi ăn, không hào hứng ăn bất kì món ăn nào. Nhiều trẻ lớn còn tìm nhiều lý do để không phải ăn: như giả đau bụng, giả no hoặc cố tình làm đổ hay lén bỏ thức ăn đi.

Những hậu quả của biếng ăn tâm lý

Trẻ biếng ăn nói chung sẽ không nạp đủ chất dinh dưỡng, thường bị thiếu các vi chất dinh dưỡng như thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu protein… làm ảnh hưởng đến sức đề kháng, trẻ hay ốm vặt nên bị chậm tăng cân, suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng biếng ăn không được cải thiện sớm, trẻ sẽ rơi vào vòng xoáy bệnh lý biếng ăn, nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng.

Biếng ăn tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ do bị bố mẹ mắng, ảnh hưởng đến không khí gia đình, nhiều trẻ trở nên xa cách và ngại tương tác cũng như tiếp xúc với người thân trong gia đình.

Người chăm sóc trẻ nên làm gì để giúp trẻ có bữa ăn ngon miệng, tránh được tình trạng biếng ăn tâm lý?

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu chuyển sang giai đoạn ăn bổ sung, đây là giai đoạn rất quan trọng để cha mẹ tập cho con thói quen ăn lành mạnh. Những nguyên tắc sau đây cần tập cho con ngay từ những ngày đầu ăn bổ sung để giúp con có khẩu vị ăn tốt:

Tạo thói quen ăn đúng giờ, khoảng cách giữa các bữa ăn từ 2-3 tiếng, nhiều người nghĩ rằng qua 6 tháng sữa mẹ ít chất, con uống chỉ để giải khát nên thường vẫn cho trẻ bú mẹ vặt theo nhu cầu của trẻ, vì thế thời gian bú mẹ và ăn cháo thường gần nhau làm cho trẻ chưa có cảm giác đói và từ chối ăn. Ăn đúng giờ còn giúp cho trẻ có khả năng tiết men tiêu hóa tốt, do đó trẻ sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.

Chế biến món ăn phù hợp với tuổi và sở thích của trẻ: Khi chế biến món ăn cần đa dạng các món ăn, đổi món thường xuyên, trang trí món ăn hấp dẫn đẹp mắt vừa giúp bữa ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng vừa giúp trẻ thích thú với bữa ăn và cảm thấy ngon miệng hơn.

Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn của con: Nhiều bậc cha mẹ cứ dến bữa ăn thường cho trẻ ăn trước cả nhà và có người ngồi cạnh để nhắc trẻ ăn cho nhanh, đây là một cách cho ăn không hợp lý, thay vào đó nên cho trẻ ngồi ăn cùng các thành viên trong gia đình nhất là khi trẻ đã biết ăn cơm sẽ giúp một bữa ăn vui vẻ và ngon miệng hơn.

Vào bữa ăn, cần tập cho trẻ thói quen tập trung khi ăn, ngồi một chỗ để ăn, ngồi ghế ăn dặm hay bàn ăn, không chạy nhảy vui đùa trong bữa ăn, hạn chế cho trẻ xem ti vi, chơi đồ chơi trong bữa ăn, rèn thói quen cho trẻ tập trung vào bữa ăn.

Dạy trẻ khả năng tự lập trong bữa ăn, để bé tự xúc ăn, làm quen với nhiều món ăn khác nhau để biết được món ăn nào trẻ yêu thích. Khi trẻ biếng ăn, nên ưu tiên những món yêu thích để trẻ dễ ăn hơn.

Đối với các trẻ lớn có thể cho tham gia nấu ăn, trang trí món ăn với những hình hấp dẫn cũng là cách để giúp trẻ cảm thấy thích thú với bữa ăn.

Không nên kéo dài thời gian ăn: bữa ăn của trẻ nên gói gọn trong 30 phút, không dọa trẻ hay ép trẻ ăn hết suất khi trẻ không muốn ăn nữa, nếu trẻ quen ăn ít mỗi bữa thì có thể tăng số bữa trong ngày để trẻ ăn đủ lượng cần thiết.

Đối với các trẻ lớn có thể cho tham gia nấu ăn, trang trí món ăn với những hình hấp dẫn cũng là cách để giúp trẻ cảm thấy thích thú với bữa ăn.

Khi trẻ bị biếng ăn tâm lý, cha mẹ nên bổ sung vi chất dinh dưỡng gì cho con?

Trẻ biếng ăn có nguy cơ thiếu các vi chất dinh dưỡng như thiếu kẽm, thiếu sắt, vitamin nhóm B…. đặc biệt, hiện nay số trẻ thiếu kẽm chiếm tỉ lệ rất cao, khoảng 60 % ở trẻ dưới 5 tuổi. Kẽm là vi chất có vai trò quan trọng giúp cho trẻ có khẩu vị và sức đề kháng tốt.

Giai đoạn trẻ biếng ăn cũng có thể bổ sung thêm các loại men enzyme và men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tuy nhiên cha mẹ không nên tự bổ sung cho con mà cần được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Nếu trẻ biếng ăn không chỉ một, hai ngày mà có xu hướng kéo dài nên cho con đến khám tại các phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp và được bổ sung kịp thời các vi chất, men tiêu hóa… trẻ đang thiếu hụt, giúp trẻ cải thiện tình trạng biếng ăn, phòng tránh trẻ bị biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển về tầm vóc và trí tuệ của trẻ.

Những món ăn sáng độc đáo và lạ mắt đánh thức vị giác của bé yêu

Bữa sáng đủ chất ngoài việc giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chống hạ đường huyết, cung cấp năng lượng để trẻ tăng trưởng về thể chất và phát triển hệ thần kinh, còn góp phần tăng hiệu suất học tập, khả năng tập trung. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại thường bỏ qua những bữa ăn này. Với trẻ nhỏ, đừng quên cho con một bữa ăn sáng đầy đủ các bố mẹ nhé.

Dưới đây là thực đơn gợi ý các món ăn sáng của chị Hoàng Thị Bảo Khuyên (sinh năm 1991). Hy vọng các công thức dưới đây sẽ giúp các mẹ làm cho con thật nhiều bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng nhé.

Món bánh ngũ cốc chanh vàng
Nguyên liệu: 60gr yến mạch mix nho khô (hoặc ngũ cốc yến mạch); 70gr chuối; 95gr sữa chua; 1 muỗng cafe nước cốt chanh; 1 muỗng cafe vỏ chanh vàng bào nhỏ; 1 muỗng canh dầu dừa/ oliu; 1 muỗng cafe syrup gạo.

Cách làm: Dùng nĩa nghiền mịn chuối rồi trộn đều tất cả nguyên liệu; Cho hỗn hợp vào khuôn (không dùng khuôn silicon thì lót thêm 1 lớp giấy nến); Làm nóng nồi chiên không dầu 160 độ 5 phút, cho khuôn vào nướng 160 độ 15 phút rồi 170 độ 3-5 phút. Dùng tăm thử không dính bánh là chín. Ăn kèm sữa chua/ váng sữa.

Bánh táo yến mạch sữa chua

Nguyên liệu: 45gr yến mạch cán vỡ; 35gr táo bào sợi; 1 quả trứng gà (~30gr); 15ml dầu oliu; 40ml sữa tươi/ sữa công thức; 1 hộp sữa chua của bé (~100gr); 1.5 muỗng cafe syrup gạo/ mật ong; 1/3 muỗng cafe bột nở.

Cách làm: Băm nhỏ táo đã bào sợi rồi trộn lần lượt với yến mạch, trứng, sữa, dầu, 1/2 hũ sữa chua, syrup và bột nở đều; Cho 1/2 hỗn hợp trên vào cốc sứ, thêm 1/2 hũ sữa chua còn lại vào giữa rồi đổ hỗn hợp còn lại lên trên cùng; Làm nóng nồi chiên không dầu 170 độ 5 phút, cho bánh vào nướng 160 độ 10 phút rồi 170 độ 7-10 phút tuỳ lò.

Pancake sữa chua

Nguyên liệu: 50gr bột mì hữu cơ; 30ml sữa tươi/ sữa công thức; 1 lòng đỏ trứng gà; 1 hộp sữa chua của bé; 1 muỗng cafe bơ đun chảy/ dầu ăn; 1/2 muỗng cafe bột nở.

Cách làm: Xay mịn hỗn hợp trên, dùng chảo chống dính đổ pancake.

Bánh mì nướng bơ tỏi phô mai
Cách làm: Băm nhỏ 1-2 tép tỏi trộn đều cùng 1 muỗng cafe bơ Ghee và xíu lá oregano; Cắt bánh mì ra làm 4 hoặc 8 phần tuỳ bánh to nhỏ, phết bơ tỏi vào các kẽ bánh mì. Cho phomai tách muối vào giữa các kẽ bánh; Phết bơ tỏi vào vỏ bánh, đem nướng nồi chiên không dầu 160 độ 7-10 phút tuỳ lò.

Sandwich nướng nhân chuối
Nguyên liệu: 1/2 quả chuối nghiền nhuyễn; 4 lát sandwich.

Cách làm: Dùng cây lăn bột/ chai thuỷ tinh tròn cán mỏng bánh, lấy ly tròn để cắt bánh thành hình tròn; Cắt nhỏ lát phomai tách muối cho lên bánh, thêm lớp bơ đậu phộng và chuối nghiền lên 2 lát bánh mì, dùng 2 lát còn lại úp lên trên. Bóp nhẹ các mép bánh cho dính chặt với nhau. Đun nóng 1 muỗng cafe bơ Ghee, cho bánh vào áp chảo 2 mặt vàng nhẹ là được. Rắc thêm bột cacao ăn kèm.

Bánh crepe chuối
Cách làm: 1/2 quả chuối nghiền mịn trộn đều cùng 150ml sữa tươi/sữa công thức, 50g bột mì, 1 quả trứng gà. Lọc lại qua rây cho mịn. Thêm vào 1 muỗng canh mè đen. Cho vào áp chảo lớp thật mỏng (không cần dầu ăn), lật chín đều 2 mặt.

Waffle bí đỏ
Cách làm: Hấp chín 60gr bí đỏ, nghiền mịn. Trộn đều cùng 1 quả trứng gà, 90ml sữa tươi/ sữa công thức và 1 muỗng cafe dầu oliu; Cho vào 40gr bột yến mạch, 1/3 muỗng cafe bột quế vào trộn cùng, rây 1/3 muỗng cafe bột nở vào sau cùng. Phết lớp bơ vào máy, đổ bột vào nướng 4-6 phút. Có thể dùng chảo như đổ pancake.

Súp kem cà chua
Nguyên liệu: Hấp chín 1/3 củ khoai tây; 1 quả cà chua vừa cắt làm 4, bỏ hạt; 1/4 củ hành tây bi cắt hạt lựu; 2 tép tỏi đập dập.

Cách làm: Đun nóng dầu ăn, phi thơm hành tây và tỏi, thêm cà chua và ít lá oregano/ basil vào xào chín cùng 3 muỗng canh nước lọc. Xay mịn các nguyên liệu trên cùng khoai tây và 30ml sữa/ cream yến mạch, thêm nước để được độ đặc tuỳ thích. Đun sôi lại trên bếp là được.

Vì sao trẻ ăn nhiều mà không tăng cân?

Bé ăn nhiều nhưng không tăng cân có thể do mật độ, thành phần thức ăn chưa phù hợp hoặc trẻ có bệnh lý nên hấp thụ kém hơn.

Bé nhà tôi 10 tháng tuổi, được bổ sung D3, sữa non từ sơ sinh. Bé bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, sau đó chuyển sữa công thức. Bé ăn dặm 2-3 bữa, uống 750 ml sữa một ngày nhưng ba tháng nay bé không tăng cân, lại hay ốm vặt, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Thư Hương, Đồng Nai)

Làm sao để giúp trẻ tăng cân đều?

Trả lời:

Đối với trường hợp trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, trước hết cần xem bé có bệnh lý gì không. Các bé có vấn đề bẩm sinh như bệnh hô hấp, hen suyễn, đường tiêu hóa, tuyến giáp, tim mạch sẽ có tình trạng kém hấp thu hoặc tăng nhu cầu năng lượng. Do đó, nếu bé có bệnh lý thì phải điều trị trước khi đánh giá dinh dưỡng.

Về dinh dưỡng, không phải cứ ăn nhiều là bé sẽ lên cân, quan trọng chế độ ăn đó có phù hợp với trẻ không. Trẻ 10 tháng tuổi cần uống khoảng 600-800 ml sữa, ăn ba cữ một ngày. Với trường hợp trên, lượng sữa và số bữa ăn của bé là phù hợp nhưng chất lượng bữa ăn vẫn chưa thể đánh giá là đạt chuẩn hay chưa.

Phụ huynh cần đưa bé đi khám dinh dưỡng để được đánh giá tình trạng dinh dưỡng thực tế,khảo sát chế độ ăn vì đôi khi chế độ ăn của bé đang bị thiếu chất béo, đạm, tinh bột hoặc bé không thích ăn thịt cá. Một số trường hợp bé tuy ăn nhiều nhưng chỉ ăn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác là phụ huynh có thể cho con ăn với mật độ thức ăn chưa phù hợp với hệ tiêu hóa. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng tiêu hóa không hiệu quả, kém hấp thu, trẻ ăn nhiều nhưng không thể hoặc khó tăng cân.

Một chế độ ăn không phù hợp kéo dài sẽ rất khó cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Với trẻ nhũ nhi, ba tháng không tăng cân là một dấu hiệu báo động. Mẹ nên đưa bé khám dinh dưỡng để tìm nguyên nhân chính xác và được tư vấn, điều trị dinh dưỡng hợp lý.

Lợi và hại khi cho trẻ dùng núm vú giả

Nhiều phụ huynh cho trẻ ngậm núm vú giả vì một số lợi ích, tuy nhiên việc này cũng mang lại nhiều tác hại đối với trẻ trong phát triển răng miệng, gây nhiễm trùng.

Đối với trẻ mới bú mẹ, sự khác biệt giữa vú mẹ và núm vú giả làm trẻ khó chịu khi bú, thậm chí bỏ bú. Nhiều phụ huynh quan ngại việc sử dụng núm vú giả ở trẻ sơ sinh dẫn đến việc cai sữa sớm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng núm vú giả không ảnh hưởng đến thời gian bú mẹ cho đến khi trẻ được 4 tháng tuổi. Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ dùng núm vú giả sau khi bé bú sữa mẹ tốt, thường là khoảng 3 đến 4 tuần tuổi.

Cha mẹ hiểu rõ con mình nhất nên cùng nhau xác định xem việc sử dụng núm vú giả có phù hợp với bé hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định.

AAP khuyến nghị nên cho trẻ ngậm núm vú giả vào giờ ngủ trưa và trước khi đi ngủ, giúp bảo vệ bé khỏi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nhiều trẻ có nhu cầu bú ngay cả khi không đói, núm vú giả sẽ đáp ứng mong muốn bú không bổ sung dinh dưỡng này. Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị đau bụng, đang tiêm vaccine, bị thương, ốm có thể được xoa dịu bằng cách sử dụng núm vú giả.

Một nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả giúp trẻ bú thành công nhanh hơn. Núm vú giả là một công cụ giúp cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi khi chăm sóc trẻ. Núm vú giả cũng hữu ích trong quá trình di chuyển trên máy bay vì mút làm giảm áp lực trong tai giữa.

Tuy nhiên, cho trẻ ngậm núm vú giả quá sớm có thể cản trở khả năng ngậm, bú của trẻ, điều này dẫn đến các vấn đề cho con bú như đau đầu vú, căng sữa, tắc ống dẫn sữa, áp xe vú. Nếu núm vú giả được sử dụng để thay thế cho các cữ bú, nguồn sữa của mẹ sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến giảm cân ở trẻ.

AAP khuyến cáo cha mẹ hạn chế hoặc loại bỏ núm vú giả sau khi trẻ 6 tháng tuổi bởi có khả năng gây nhiễm trùng tai. Núm vú giả thường rơi ra khỏi miệng trẻ sơ sinh, rất dễ trở thành đường dẫn vi trùng nếu không được vệ sinh và khử trùng thường xuyên.

Một số cha mẹ cho rằng núm vú giả là không cần thiết vì trẻ sơ sinh không sử dụng núm vú giả thường tìm cách khác để tự xoa dịu mình như mút tay. Việc lạm dụng núm vú giả vào ban ngày có thể khiến trẻ không bú đủ sữa vào các cữ bú, điều này khiến trẻ thức giấc nhiều hơn vào ban đêm để ăn. Sử dụng núm vú giả thường xuyên ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng của trẻ, đặc biệt là khớp cắn hở trước, khớp cắn chéo sau.

Núm vú giả có thể gây ra một số nguy cơ như nghẹt thở, vì vậy cha mẹ phải ghi nhớ các nguyên tắc an toàn sau: vệ sinh núm vú giả của trẻ hàng ngày để ngăn ngừa tưa miệng, nhiễm trùng do vi khuẩn; không treo núm vú giả quanh cổ bé hoặc sử dụng bất kỳ loại dây, ruy băng nào để buộc núm vào nôi, ghế ô tô, xe đẩy, ghế dành cho trẻ sơ sinh, em bé có thể bị siết cổ; không sử dụng núm vú từ bình sữa như một núm vú giả, không an toàn, khiến bé bị sặc; tránh núm vú giả bằng cao su nếu trẻ bị dị ứng với cao su; thường xuyên kiểm tra núm vú giả để thay thế chúng khi bị đổi màu, vỡ hoặc hư hỏng.

Trường Phát